Lượt xem: 272

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đóng góp ý kiến cho 04 dự thảo luật

Trong 3 ngày làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (ngày 20 đến ngày 23-10), thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sóc Trăng, ĐBQH Tô Ái Vang – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã có những ý kiến đóng góp cho 04 dự thảo luật.

    Đóng góp cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), về đăng ký môi trường (Điều 50 b2), tại Điểm b, Khoản 2 điều này quy định “chỉ phát thải, chất thải rắn thông thường, với khối lượng nhỏ”, vậy khối lượng nhỏ là bao nhiêu? ĐBQH Tô Ái Vang kiến nghị, Chính phủ nên quy định, tiêu chí định lượng cụ thể trong văn bản Luật. Đồng thời, bổ sung quy định: Dự án “Chất thải thông thường với khối lượng nhỏ”;”Công trình xử lý tại chỗ”;”Quản lý theo quy định của địa phương”, để làm căn cứ cho cơ quan chuyên môn, xác định đối tượng được miễn đăng ký môi trường.

    Về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị và nông thôn, trong một số lĩnh vực (Chương V) từ Điều 51 đến Điều 72, ĐBQH Tô Ái Vang kiến nghị, bố cục lại từ Điều 51 đến Điều 72 theo hướng tích hợp các điều luật theo nhóm và mỗi nhóm có 1 điều, quy định nguyên tắc bảo vệ môi trường chung, sau đó là các điều khoản, quy định nội dung bảo vệ môi trường, áp dụng đặc thù đối với từng khu vực, hoạt động, như vậy, thì nội dung của từng điều sẽ được rút gọn.


ĐBQH Tô Ái Vang đóng góp cho các dự thảo luật. Ảnh Quốc Kiên

    Về quan trắc nước thải (Điều 89), ĐBQH Tô Ái Vang kiến nghị, Luật nên quy định riêng 1 điều về quan trắc nước thải tự động, liên tục và quan trắc định kỳ nước thải, để dễ theo dõi, phân biệt chủ thể thực hiện quan trắc. Bổ sung quy định đối tượng thực hiện quan trắc định kỳ, tại Khoản 5 điều này. Quốc hội cần nghiên cứu cân nhắc, nên bỏ cụm từ “khuyến khích” tại Khoản 7, mà phải xác định rõ đối tượng cụ thể áp dụng, nếu sử dụng cụm từ khuyến khích, thì việc chấp hành chính sách sẽ không đồng bộ, khó quản lý. Về kết quả quan trắc định kỳ nước thải tại Khoản 8, nên cân nhắc việc sử dụng kết quả quan trắc định kỳ nước thải, để kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường, đối với nước thải cho các cá nhân, tổ chức là chưa phù hợp. Vì kết quả quan trắc định kỳ, chưa đảm bảo quan trắc đầy đủ các thông số ô nhiễm, để tính phí, mà chỉ nên xem, nội dung này, là một trong những tiêu chí tham khảo đánh giá, không dùng làm căn cứ để kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường, đối với nước thải.

    Đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi),  ĐBQH Tô Ái Vang tán thành với quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10), mức vốn chủ sở hữu, từ 05 tỷ đồng trở lên, đây được xem là cơ sở pháp lý, mang tính ràng buộc đối với những doanh nghiệp, không đủ năng lực về tài chính; đồng thời đề nghị, cần bổ sung quy định chặt chẽ, để kiểm soát vốn chủ sở hữu, vì thời gian qua, việc thực hiện kiểm soát, thông qua số dư trong tài khoản ngân hàng, của các doanh nghiệp, chưa hiệu quả. Đồng thời, tán thành với quy định, về thời gian 05 năm kinh nghiệm, đối với người đại diện theo pháp luật, của doanh nghiệp dịch vụ, vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc biệt lại có liên quan trực tiếp đến người lao động, trong điều kiện đi làm việc, ngoài lãnh thổ Việt Nam là cần thiết.

    Về đăng ký hợp đồng, nhận lao động đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề (Điều 40), tại Điểm a, Khoản 1 của điều này quy định “Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài,... phải đăng ký tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...”. ĐBQH Tô Ái Vang kiến nghị, thay thế cụm từ “cơ quan chuyên môn về lao động” bằng tên cơ quan cụ thể là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội”, vì theo Nghị định 24 của Chính phủ quy định Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh, quản lý Nhà nước về lao động; việc làm; dạy nghề;...

    Về hồ sơ đăng ký hợp đồng, nhận lao động đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề (Điều 41), kiến nghị, bổ sung hình thức công chứng vào Điểm b - Khoản 1; Điểm a - Khoản 1 - Điều 54 về hồ sơ, thủ tục đăng ký hợp đồng lao động. Vì hiện nay, ngoài hình thức chứng thực bản sao, còn có hình thức công chức, được thực hiện theo Luật Công chứng, cần được bổ sung vào Luật sửa đổi lần này, để bảo đảm tính thống nhất, trong quy định của pháp luật liên quan.

    Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, ĐBQH Tô Ái Vang kiến nghị, nội dung trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra, trong đó giới hạn một số nội dung mà UBND cấp xã khu vực biên giới được ký kết như: Giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới, phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan, mà Việt Nam là thành viên và quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, phải được hướng dẫn cụ thể trong văn bản dưới Luật, nhằm tránh việc lạm dụng, áp dụng đại trà trong ký kết các văn bản thỏa thuận quốc tế, vì công tác đối ngoại luôn tiềm ẩn những yếu  tố nhạy cảm, phức tạp về chính trị, đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại nhân dân phải đặc biệt quan tâm, bồi dưỡng thường xuyên đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới.

    Tại các khoản liên quan đến các điều: Khoản 3, Điểm c, Khoản 4, Điều 13; Khoản 3, Điểm c, Khoản 4, Điều 15; Khoản 3, Điểm c, Khoản 4, Điều 17; Khoản 3, Điểm c, Khoản 4, Điều 19 thay cụm từ “hoặc ủy quyền cho một người khác” thành “hoặc ủy quyền cho cấp phó”. Vì như trong dự thảo Luật quy định “ủy quyền cho một người khác” là chưa làm rõ đối tượng được ủy quyền, vì không phải ai cũng có thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, để thống nhất trong thực hiện, tôi kiến nghị nên kế thừa Khoản 1, Điều 54 - Giao quyền xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính…” của Luật này, có thể giao cho cấp phó, thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, là hợp lý.

    Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; ĐBQH Tô Ái Vang kiến nghị bổ sung quy định chủ thể phát hiện hành vi vi phạm hành chính. Vì trên thực tế, có trường hợp, khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát, phát hiện hành vi vi phạm hành chính, đã thông báo cho đối tượng vi phạm khắc phục. Tuy nhiên, sau đó 02 năm, khi cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện thanh tra lại, phát hiện hành vi vi phạm trên chưa được khắc phục, khi đề nghị người có thẩm quyết xử phạt vi phạm hành chính, thì gặp khó khăn, vì cho rằng đã hết thời hiệu xử phạt, quá 02 năm vi phạm hành chính.

    Kiến nghị, bổ sung một điểm vào Khoản 2, Điều 6, quy định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến hình sự, nếu hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án hình sự, thì chuyển, trả hồ sơ cho cơ quan thanh tra, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời gian chuyển, trả lại hồ sơ. Vì trong thực tế, có trường hợp, cơ quan thanh tra phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, sau khi xem xét, cơ quan điều tra kết luận, không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ sang cơ quan thanh tra, thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Điều này đã gây khó khăn trong áp dụng pháp luật vào thực tiễn.

    Tại Điều 37 quy định Cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được, từ vi phạm hành chính...” Tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quy định tài sản: Là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản. Như vậy, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, kiến nghị dẫn chiếu Điều 105 của Bộ Luật Dân sự hoặc trích dẫn chính xác quy định về tài sản trong Điều 105. Có như vậy, thì quy định của pháp luật sẽ mang tính thống nhất.

    Về thẩm quyền của Toà án nhân dân (Điều 48), ĐBQH Tô Ái Vang kiến nghị, xem xét sửa đổi Khoản 4, Điều 48 quy định về thẩm quyền của Chánh tòa Phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao, Chánh tòa Chuyên trách - Tòa án nhân dân tối cao. Vì theo quy định tại Điều 21, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, thì không còn chức danh này.

     Về chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm, để xử phạt hành chính (Điều 63), kiến nghị thay thế cụm từ “ban hành kết luận thanh tra” bằng cụm từ “công bố kết luận thanh tra” tại khoản 1 Điều này, nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Thanh tra năm 2010. Về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 86), đề xuất chọn Phương án 1, không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước...”, vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, trong đó có người già, phụ nữ và trẻ em - là những đối tượng cần được quan tâm, cần được bảo vệ, họ trực tiếp thụ hưởng và cũng sẽ là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của Luật. Đây là yếu tố nhạy cảm, dễ dẫn đến bức xúc trong dư luận, dễ bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương.

    Về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (Điều 126), tại Khoản 1, Điều 126 quy định “đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu, thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền, tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách Nhà nước” là không khả thi. Vì trong thực tế, tang vật, phương tiện vi phạm thường có giá trị rất lớn như: Ô tô, tàu thuyền... Nên khi thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính, đối tượng vi phạm không có điều kiện kinh tế, để nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, dẫn đến quyết định xử phạt không được thi hành. Vì thế, tôi kiến nghị, xem xét lại quy định này, nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Quốc Kiên



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 6168
  • Trong tuần: 76,875
  • Tất cả: 11,800,195